Negav ý thức được về lời lẽ th.ô t.ục nhưng vẫn tái diễn vì nghĩ đó là ngầu, giới trẻ thời nay thích sự ngông cuồng đó
Những phát ngôn gây sốc của Negav trong quá khứ khiến nam rapper lao đao trước cuộc khủng hoảng hình tượng.
Ồn ào của Negav nhiều ngày qua lan rộng thành một cuộc khủng hoảng, khiến nam rapper phải hủy hết lịch trình, khóa tất cả tài khoản mạng xã hội.
Những bình luận từ 4 năm trước bị tìm lại khiến Negav bị chỉ trích gay gắt, đã xin lỗi 4 lần nhưng không thể xoa dịu dư luận.
Vốn là một Negav nổi tiếng là “út khờ” với tính cách ngây ngô, hồn nhiên, sau khi quá khứ bị “đào lại”, cái tên Đặng Thành An lại xuất hiện khắp các diễn đàn, kèm theo những phát ngôn thô tục.
Nhiều nghệ sĩ Việt như Trung Quân, Orange, Kiên cũng lên tiếng xin lỗi vì có liên quan đến hội nhóm “khăn giấy ướt” có nhiều nội dung nhạy cảm của Negav.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhấn mạnh, những bài đăng, phát ngôn mặc dù đăng trong nhóm nội bộ nhưng nói một cách khách quan, các ca sĩ có ý thức được về hành vi của mình.
“Tôi cho rằng với ngôn ngữ, những ranh giới rất mờ nhạt. Vấn đề là những người trong cuộc phải định hình rõ. Nếu hành vi mang tính chất trêu đùa đó không gây tổn hại về mặt tâm lý, sinh lý của đối phương thì sẽ không gây bức xúc, không gây phản cảm.
Có nhiều câu “chửi thề” hay cảm thán cửa miệng của giới trẻ cũng chứa những từ nhạy cảm nhưng không làm tổn hại đến ai khi được sử dụng trên mạng xã hội. Nhưng những phát ngôn của Negav có thể nói là trần trụi, phản cảm đến mức suồng sã”, ông Ngô Hương Giang cho biết.
Nhìn lại loạt bài đăng tục tĩu mà Negav từng chia sẻ, nhiều khán giả nói họ sốc khi đọc những nội dung nhạy cảm được viết bởi một thanh niên 19 tuổi, trong đó có những câu bình phẩm khiếm nhã về những người nổi tiếng.
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cũng khẳng định đó là hành vi tái phạm nhiều lần, tức là Negav đã có nhận thức và có trách nhiệm trong phát ngôn nhưng vẫn cố tình làm.
Chuyên gia đưa ra 3 nguyên chính dẫn đến những bài đăng gây sốc của Negav: “Đầu tiên, người này dường như có dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý. Từ tâm sinh lý bất thường, họ cho rằng việc quấy rối tình dục người khác không phải việc quá hệ trọng.
Thứ hai, ồn ào này cho thấy sự thiếu kiểm soát của các cơ quan quản lý trong quản lý các thông tin trên mạng xã hội. Điều đó cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý mạng xã hội. Nhiều năm qua, công tác kiểm soát, quản lý và có những biện pháp ngăn chặn từ xa chưa được đảm bảo, dẫn đến việc các hội nhóm riêng được lập ra, ai cũng có quyền phát ngôn, chia sẻ những nội dung tục tĩu, phản cảm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người bị quấy rối mà còn tác động đến những người tham gia hội nhóm đó, mà phần lớn là thế hệ trẻ. Từ đó, nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng về tâm lý có thể dẫn đến nguy cơ bất ổn cho xã hội.
Thứ ba, chế tài xử phạt mới dừng ở xử phạt hành chính chứ chưa có biện pháp cứng rắn như chế tài hình sự. Vì vậy, nhiều người nổi tiếng coi nhẹ, tái phạm nhiều lần. Không chỉ Negav, nhiều ca sĩ lớn tuổi cũng từng sử dụng nhiều từ ngữ thô tục, phản cảm khi sử dụng mạng xã hội. Nếu không có biện pháp xử lý chặt chẽ hơn, những nghệ sĩ trẻ sẽ nhìn theo những trường hợp nghệ sĩ có kinh nghiệm cũng phát ngôn tục tĩu và học theo”.
Đồng tình với quan điểm trên, ThS Lê Đình Quyết – giảng viên ĐH Luật Hà Nội, cố vấn cấp cao Công ty Luật LVI Law Firm – chỉ ra các quy định về ứng xử trên không gian mạng, chế tài xử phạt còn một số lỗ hổng nhưng bất cứ cá nhân nào khi tham gia mạng xã hội cũng cần có trách nhiệm, ý thức được việc phải phát ngôn chuẩn mực.
Giới chuyên gia cho rằng với nghệ sĩ, họ không chỉ cần có trách nhiệm công dân mà phải nâng lên thành trách nhiệm đối với xã hội, đối với khán giả.
“Đó là lý do nghệ sĩ cần thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng, giữ gìn sự trong sạch của ngôn ngữ và tạo nên môi trường ứng xử văn hóa lành mạnh”, ông Ngô Hương Giang nói.